Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

CÁC TRÀO LƯU CƠ BẢN TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

CÁC TRÀO LƯU CƠ BẢN TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trào lưu văn học là một hiện tượng có tính chất lịch sử. Đó là một phong trào sáng tác tập hợp những tác giả, tác phẩm gần gũi với nhau về cảm hứng, tư tưởng, nguyên tắc miêu tả hiện thực, tạo thành một “dòng sông lớn” có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc hoặc một thời đại.
Kể từ những năm 30 của thế kỉ XIX, trong sự đảo lộn sâu sắc của xã hội và sự yếu thế của đức tin tôn giáo, chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển và lên ngôi thống trị ở Âu châu. Sự phát triển của xã hội là tiền đề cho sự phát triển về triết học, các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Chính những bước tiến đó cho người ta nhận thức đúng đắn hơn về con người – nhân vật trung tâm của nghệ thuật, hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, trào lưu văn học nghệ thuật: trào lưu cổ điển, trào lưu lãng mạn, trào lưu hiện thực, trào lưu hiện sinh.... Mỗi trào lưu văn học được nảy sinh trên một hoàn cảnh lịch sử và có cơ sở triết học nhất định. Ở trào lưu văn học nào cũng đóng góp cho nền văn học nhân loại những tên tuổi tác giả ưu tú cùng những tác phẩm tiêu biểu.
II. NỘI DUNG
1. Trào lưu văn học cổ điển
Trào lưu văn học cổ điển là một hiện tượng văn học lịch sử - cụ thể, hình thành trên một cở sở xã hội và ý thức hệ nhất định, tiêu biểu nhất là của thế kỉ XIX ở Pháp.
Về cơ sở triết học
Cơ sở ý thức triết học của chủ nghĩa cổ điển là chủ nghĩa duy lí của Đêcac. Trong tiểu luận triết học nổi tiếng nhan đề “Luận về phương pháp” ông đã đề xướng triết học duy lí – đánh giá cao khả năng vai trò của tư duy lí luận. Theo ông, lí trí không những là giai đoạn cao của nhận thức thế giới, mà còn là nguồn gốc độc lập, không phụ thuộc vào tri giác cảm tính, lí trí có thể đem lại sự hiểu biết về tất cả những gì mà giác quan của con người không đạt tới. Nói về vấn đề cơ bản của triết học là mối quan hệ tư duy và tồn tại, Đêcac nêu một nguyên lý: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”.
Triết học duy lí của Đêcac đã in dấu đậm nét trong văn học cổ điển chủ nghĩa Pháp, từ lí luận đến sáng tác, từ sự lựa chọn đề tài đến những thành tựu nghệ thuật.
Về phong trào sáng tác, đội ngũ nhà văn và số lượng tác phẩm
Phản ánh những nhu cầu, tính chất của nhà nước phong kiến tập trung thế kỉ XIX và chủ nghĩa duy lí của Đêcac, chủ nghĩa cổ điển xem nhân vật trung tâm có tính chất lí tưởng là những con người đặt lí trí lên trên tình cảm, chiến thắng đam mê, coi nhẹ lợi ích cá nhân, phục tùng cho lợi ích và danh dự của quốc gia, dòng dõi. Trào lưu văn học cổ điển phát triển mạnh mẽ nhất ở Pháp với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nhà văn lớn. Trong đó có thể kể tới các tác giả: Malecbơ, Paxcan, La Phôngten, Cornây, Raxin, Môlie...
Cornây là nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp. Bi kịch Cornây giáo dục lòng yêu nước, đề cao danh dự của người công dân. Những nhân vật trong kịch của ông đều là người anh hùng chiến thắng mọi trở ngại, cám dỗ, luôn sáng suốt làm chủ lấy mình.“Lơxit” là vở kịch nổi tiếng nhất của Cornây.
Jăng Raxin là nhà thơ cổ điển chủ nghĩa mẫu mực. Raxin sáng tác không nhiều. Có thể kể tới một số tác phẩm tiêu biểu như: “Ăngdromac”, “Bêrênix”, “Atali”...
Môlie là một trong những nhà soạn kịch lỗi lạc nhất của chủ nghĩa cổ điển Pháp và của cả nền văn học Pháp. Tiếng cười trong hài kịch của Môlie đã tố cáo những tiêu cực, những điều lố lăng, cái xấu, cái rởm đời...của đủ mọi tầng lớp, không kiêng nể ai. Chế độ quân chủ chuyên chế, tầng lớp quý tộc lỗi thời, tôn giáo đè nén hạnh phúc của con người, tư sản ham mê danh vọng...là những mục tiêu đả kích của ông. Bên cạnh đó, ông luôn luôn ca ngợi người bình dân, người lao động với lương tri trong sáng, lành mạnh. Có thể kể tới một số tác phẩm tiểu biểu của ông như: “Đông Juăng”, “Anh ghét đời”, “Tactuyp”, “Lão hà tiện”... Với tiếng cười mang tính chất duy lí, tiếng cười Môlie chính là vũ khí của kẻ mạnh, của những thế lực tiến bộ đang chôn vùi những tàn dư lạc hậu của chế độ cũ.
2. Trào lưu văn học lãng mạn
Trào lưu văn học lãng mạn hình thành một cách tiêu biểu ở Tây Âu vào sau Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789.
Về cơ sở triết học:
Trào lưu văn học lãng mạn chịu ảnh hưởng khá sâu của học thuyết “Chủ nghĩa xã hội không tưởng” của Ôwen và Phuriê. Đặc biệt, trào lưu lãng mạn còn có quan hệ mật thiết với triết học duy tâm cổ điển Đức. Những quan điểm triết học, mĩ học của các nhà duy tâm cổ điển Đức: Căng, Hêghen, Gớt...đều đề cao con người, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư sản cận đại. Mặt tích cực của nó là nâng cao sự tôn nghiêm, khẳng định ý thức tự chủ ở con người. Tuy nhiên, triết học và mĩ học duy tâm cổ điển Đức lại đề cao con người tách khỏi thực tế xã hội và lịch sử. Từ trong mối quan hệ phức tạp đó, các nhà lãng mạn tích cực và tiêu cực sẽ khai thác theo những khía cạnh nào thích hợp với quan niệm của mình.
Về phong trào sáng tác, đội ngũ nhà văn và tác phẩm tiêu biểu
Thật khó để thâu tóm tất cả tính chất bao trùm trong các tác phẩm của những nhà lãng mạn. Tuy nhiên, có thể đúc kết một vài nét đặc thù làm nên những thuộc tính, những chủ đề của lãng mạn: sự đề cao cái tôi cá nhân, hay nói về nỗi buồn lãng mạn, viết nhiều về thiên nhiên....
Từ những năm 20, trào lưu văn học lãng mạn ở Pháp đã phát triển mạnh mẽ với các nhà văn nổi tiếng: Lamactin, Vinhi, Huygô, Xăng, Muyxê.
Lamactin là nhà thơ tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn Pháp. Lamactin viết những tập thơ trữ tình nổi tiếng: “Trầm tư”, “Trầm tư mới”, “Những hài hòa”... Có thể nói Lamacstin là người khai phá một giọng ca mới, là nhà thơ trữ tình xuất sắc khi nói về thiên nhiên gắn với tâm tình con người.
Vinhi bắt đầu sáng tác năm 1820 và dần dần nổi tiếng với các tác phẩm: “Moizơ”, “Xanh Mac”, “Stenlê”...
Victo Huygô là nhà văn lãng mạn ưu tú của nước Pháp. Trong hơn 60 năm sáng tác, ông đã để lại hơn 20 vở kịch, 10 tiểu thuyết lớn và truyên vừa, 15 tập thơ gồm 153873 câu thơ, hàng trăm bài chính luận, lí luận văn chương, hàng nghìn bức thư tình là những áng văn chương hay...Những tập thơ đầu “Đoản thi”, “Về phương đông” đã rung lên niềm yêu thương của nhà thơ lãng mạn với quá khứ xa xăm hoặc những miền xa lạ. Những tập thơ trữ tình xuất bản sau những năm 30: “Lá mùa thu”, “Tiếng hát buổi hoàng hôn”, “Tiếng nói bên trong”, “Tia sáng và bóng tối” là “trạng thái hoàng hôn kì lạ của tâm hồn và của xã hội trong thế kỉ”. Những tập thơ chiến đấu và hùng ca từ những năm 50: “Trừng phạt”, “Chiêm ngưỡng”, “Truyền kì các thời đại” đã vươn đến tầm khái quát nhân loại, phân biệt nước Pháp của nhân dân lao động và nước Pháp của bọn giàu sang quyền quý.Và trong đó, tình thương yêu của ông được dành cho những con người khốn khổ bị đọa đày. Trong tiểu thuyết “Nhà thờ đức bà Pari”, Huygô ca ngợi tình thương yêu của những con người bình thường: cô vũ nữ Exmêranđa, anh chàng kéo chuông Cazimôđô. Tác phẩm lớn “Những người khồn khổ” miêu tả những cảnh đau lòng dưới đáy xã hội Pháp, những con người bị vùi dập hiện ra trong tác phẩm với tất cả vẻ đẹp cao cả. Huygô tin rằng lòng yêu thương tuyệt đối có khả năng tiêu diệt cái ác và mang lại hạnh phúc cho con người khốn khổ.
Khác với một số nước ở Tây Âu, văn học lãng mạn Đức mang nhiều yếu tố bảo thủ, tiêu cực. Triết học cổ điển Đức, đặc biệt là chủ nghĩa duy tâm đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học lãng mạn.
Tác giả nổi tiếng của trào lưu văn học lãng mạn Đức là Nôvalix thường được đề cao là “hoa hồng chúa” hoặc “bông huệ thiên thanh”. Sáng tác của Nôvalix tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn tiêu cực ở Đức. Có thể kể tới một số tác phẩm của tác giả như: “Bài ca gửi trời đêm”, “Khúc ca tinh thần”, “Những đồ đệ của Xait”....
Một nhà văn lãng mạn khác là Ecnet Hôpman. Ông đã viết những chuyện huyễn hoặc như: “Bức tranh đêm”, “Anh em Xêrapiông”...
Ở Anh, từ những năm thứ mười của thế kỉ XIX đã hình thành dòng văn học lãng mạn tiến bộ với các nhà văn nổi tiếng: Xcôt, Bairơn, Seli, Kitx...
Bairơn là nhà văn lãng mạn tiêu biểu của nước Anh. Ông chỉ sống có 36 tuổi đời, sáng tác trong khoảng 20 năm nhưng đã để lại một di sản đồ sộ mà tư tưởng và nghệ thuật vẫn còn sức cổ vũ cho đến ngày nay. Có thể kể tới một số tập thơ tiêu biểu của Bairơn như: “Cuộc hành hương của Saiđơ Harôn”, “Kẻ tà đạo”, “Tên cướp biển”, “Cuộc vây hãm thành Côrinthơ”, “Lara”....
Seli là nhà văn lãng mạn cách mạng tiếp thu truyển thống cách mạng tư sản Pháp và tin tưởng là có thể xóa bỏ mọi sự áp bức trong tương lai. Seli viết nhiều tác phẩm: “Hoàng hậu Mab”, “Cuộc nổi dậy của Ixlam”, “Prômêtê tháo xiềng”, “Bảo vệ thơ ca”, “Dòng họ Xenxi”....
Ngoài ra trào lưu văn học lãng mạn còn được nảy sinh và phát triển ở Mĩ với sự xuất hiện của một số nhà văn tài năng: Ơvinh với các tác phẩm: “Cuộc đời và các chuyến du lịch của Crixtôphơ Côlông”, “Amhabra”, “...; tác giả Cupơ với 26 tập tiểu thuyết, hàng chục tập du kí, bài báo, thư từ: “Tên gián điệp”, “Người hoa tiêu”, “Tên cướp biển đỏ”, “Mụ phù thủy biển khơi”, “Những con sư tử biển”....
Ở Việt Nam, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây xuất hiện từ một thế kỉ trước đó đã để lại dấu ấn rõ nét và tạo nên một trào lưu văn học nghệ thuật mới. Mầm mống của trào lưu văn học lãng mạn manh nha từ trước 1930 trong các tác phẩm của Tương Phố, Đoàn Như Khuê, Hoàng Ngọc Phách và đặc biệt là Tản Đà. Dưới ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp, các tác giả đã mạnh mẽ đi vào thế giới tâm hồn, đi vào cái tôi, cái bản ngã đậm chất riêng tư. Trào lưu văn học này đã tạo được một giai đoạn thơ ca giàu hương sắc với nhiều phong cách và cá tính sáng tạo. Sự xuất hiện của cái tôi đồng thời đem đến cuộc đấu tranh đòi tự do cá nhân, giải phóng cá nhân. Xuận Diệu thể hiện nỗi kháo khát sống một cách mạnh mẽ: “Chân nổi gió cứ mặt trời thẳng đến” và mong được nâng tâm hồn mình lên “để hóng gió ngàn phương thổi đến”. Phạm Huy Thông “muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng/ Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi”. Lại nữa trong một xã hội thực dân nửa phong kiến, nhà thơ ra sức đấu tranh cho quyền tự do yêu thương, cho những cảm xúc phong phú, cho những mơ mộng xa vời, cho những cái đẹp mang màu sắc chủ quan cuả mình. Huy Cận tìm lại những cái đẹp của dân tộc từ trong quá khứ. Xuân Diệu say sưa trong tình yêu đắm đuối, Lưu Trọng Lư tìm cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu, Thế Lữ theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới, Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại, Thâm Tâm yêu người li khách ra đi không trở về...
3. Trào lưu văn học hiện thực
Trào lưu văn học hiện thực phê phán có ở Anh, Nga và cả ở phương Đông, nhưng hình thành một cách tiêu biểu, đầu tiên trong văn học Pháp khoảng năm 1930.
Về cơ sở triết học
Trào lưu văn học hiện thực phê phán hình thành trên cơ sở tư tưởng của Phơbach, Ghecxen, Secnusepxki, đặc biệt là phép biện chứng của Hêghen. Những thành tựu về triết học cùng với đặc điểm về tình trạng xã hội đã kết tinh thành nguyên tắc lịch sử cụ thể cho sự ra đời của trào lưu văn học mới: trào lưu văn học hiện thực phê phán.
Về phong trào sáng tác, đội ngũ nhà văn và số lượng tác phẩm.
Trào lưu văn học hiện thức phê phán Pháp xuất hiện sau những năm 1820, phát triển mạnh mẽ cho đến những năm 60 và có thể chia ra làm hai thời kì, trước và sao 1848. Giai đoạn trước 1848 là giai đoạn phát triển rực rỡ của trào lưu hiện thực với nững nhà văn ưu tú: Xtăngđan, Banzăc, Mêrimê.
Xtăngđan là một nhà văn hiện thức lớn “nhân đạo một cách sâu sắc và có tính triết học”. Xtăngđan viết một số tiểu thuyết, đặc biệt là ba tác phẩm: “Đỏ và đen”, “Tu viện thành Pacmơ”, “Luyxiêng Lơoen”.
Banzăc là nhà văn hiện thực lớn nhất nước Pháp nửa đầu thế kỉ XIX. Trong hai mươi năm ông viết hơn 90 tác phẩm lớn nhỏ mà phần lớn được tập hợp lại trong “Tấn trò đời”. Ngoài ra còn có nhiều vở kịch và những “Truyện ngắn ngộ nghĩnh”. Nội dung tiểu thuyết hiện thực của Banzắc bao quát mọi hoạt động của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong mọi hoạt động của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau. Tác phẩm đã phản ánh những mặt cơ bản của cuộc sống con người: đời sống vật chất, đời sống kinh tế, đời sống tinh thần. Đặc biệt, Banzăc đã vạch trần vai trò của đồng tiền trở thành động lực xã hội trong tay của giai cấp tư sản nắm chính quyền, phản ánh cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp tư sản đang lên ở nông thôn và chính trị.
Mêrimê là nhà văn viết truyện ngắn của trào lưu văn học hiện thực phê phán Pháp. Có thể kể tới những kiệt tác trong hơn 20 năm sáng tác của ông là: “Côlômba”, “Tamangôn”, “ Cacmen”...
Flôbe viết nhiều tác phẩm hiện thực ưu tú: “Bà Bôvary”, “Xalambô”, “ Sự cám dỗ của thánh Ăngtoan”....
Môpaxăng trong sự nghiệp của mình sáng tác gồm hơn 300 truyện ngắn và 6 tiểu thuyết. Những truyện ngắn nổi tiếng như: “Nhà Teliê”, “ Cô Fiji”, “Truyện ngày và đêm”, “ cây hoa hồng và bà Huxông”...Những tiểu thuyết xuất sắc như: “Một cuộc đời”, “Anh bạn điển trai”, “ Pie và Jăng”... Môpaxăng là nhà văn hiện thực tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán Pháp sau năm 1848.
Trào lưu văn học hiện thực phê phán ở Đức ra đời muộn hơn trào lưu văn học này ở Pháp và Anh. Các nhà văn hiện thực tiên tiến Đức ca tụng cuộc cách mạng Pháp và kêu gọi đấu tranh chống nước Đức phong kiến. Một số nhà văn hiện thực nổi tiếng từ giữa thế kỉ XIX ở Đức là: Hainơ với các tác phẩm: “Hình ảnh chuyến đi”, “ Du kí vùng Hacrainơ”...Tác giả Hêben với các tác phẩm kịch và thơ đề cập đến các vấn đề trung tâm của đất nước: vở kịch “Maria Mađơlen”, “Hecđơun Mariam”...
Văn học hiện thực phê phán Anh ra đời và phát triển từ những năm 30 của thế kỉ XIX trong thời kì những cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng nâng cao. Văn học hiện thực Anh có những tác phẩm ưu tú mô tả xung đột cơ bản của thời đại giữa giai cấp tư sản và vô sản. Nhưng do hạn chế về thế giới quan, các nhà văn hiện thực Anh Đickinx, Brôntê, Gaxken...đã đứng trên lập trường dân chủ tư sản và quan điểm duy cảm mong muốn chấn chính xã hôi tư sản và tin tưởng ở sự thực hiện điều thiện trong xã hội.
Đickinx là nhà văn hiện thực lớn đã phản ánh khá toàn diện xã hội nước Anh đương thời, phê phán giai cấp thống trị và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.
Saclôt Brônti viết văn từ năm 21 tuổi. Những tác phẩm danh tiếng là: “Người giáo viên”, “Jên Frơ”, “Sơcli”, “Vilit”....Nhìn chung trào lưu văn học hiện thực Anh đã phản ánh trung thành xã hội Anh nửa đầu thế kỉ XIX.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn từ 1930 -1945, người ta thấy thực sự xuất hiện nhiều trào lưu, trong đó có trào lưu văn học hiện thực – một trào lưu đạt được nhiều thành tựu to lớn về tư tưởng và nghệ thuật. Trào lưu văn học này đã tập hợp được nhiều cây bút đầy tài năng và đã đóng góp cho lịch sử văn học nước nhà nhiều tác phẩm xuất sắc không chỉ gây được tiếng vang trong nước mà được dịch và nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới.
Trong khoảng thời gian từ 1930 – 1935, những năm mà trào lưu lãng mạn vẫn chiếm ưu thế, đã xuất hiện một số cây bút hiện thực tài năng, bước đầu thu hút và chiếm được cảm tình của độc giả. Những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang lần lượt ra đời, từng bước khẳng định vị trí của văn học hiện thực phê phán. Nguyễn Công Hoan là tác giả tiêu biểu cho văn học hiện thực ở giai đoạn 1930 – 1935 với những tác phẩm có giá trị như: “Kép tư bền”, “Tay trắng trắng tay”, “Lá ngọc cành vàng”, “Ông chủ”, “Bà chủ”....Vũ Trọng Phụng với vở kịch “Không một tiếng vang”, truyện ngắn “Chống nạng lên đường”, phóng sự “Cạm bẫy người”, “Kĩ nghệ lấy Tây”...Ngòi bút Vũ Trọng Phụng sớm bộc lộ cảm hứng phê phán mãnh liệt, ông đã thể hiện niềm phẫn uất mãnh liệt bằng những lười nguyền rủa ném thẳng vào mặt xã hội đồng tiền.
Bước sang giai đoạn 1936 – 1939, trào lưu văn học hiện thực đã vượt lên, phát triển mạnh mẽ. Tài năng của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng vươn tới đỉnh cao. Nhiều truyện ngắn có giá trị của Nguyễn Công Hoan liên tiếp được ra đời: “Hai thằng khốn nạn”, “Đào kép mới”, “Sóng vũ môn”, “Bước đường cùng”... Chỉ riêng năm 1936, bên cạnh phóng sự “Cơm thầy cơm cô”, Vũ Trọng Phụng liên tiếp cho ra đời những cuốn tiểu thuyết hiện thực có giá trị: “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Số đỏ”...Ngô Tất Tố đã thực sự khẳng định được tài năng của mình với các tác phẩm: “Lều chõng”, “Tập án cái đình” và đặc biệt là tiểu thuyết “Tắt đèn”.
Sang chặng đường 1940 – 1845, đội ngũ nhà văn hiện thực có sự thay đổi lớn, một loạt những cây bút tài năng xuất hiện bên cạnh những nhà văn trước. Từ năm 1940, ngòi bút Nguyên Hồng tỏ ra sung sức, liên tiếp cho ra đời những tác phẩm: “Bảy Hựu”, “Qua những màn tối”, “Hơi thở tàn”, “Hai dòng sữa”, “Ngọn lửa”, “Miếng bánh”...Ngoài ra còn có rất nhiều những tài năng khác như:Tô Hoài, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp...Đại biểu ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực ở chặng cuối này là Nam Cao. Qua những sáng tác về người nông dân, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường bần cùng, phá sản, không lối thoát, hết sức thê thảm những năm 1940 -1945. Những sáng tác về đề tài người trí thức của Nam Cao tập trung thể hiện những bi kịch tinh thần của người trí thức tiểu tư sản đầy hoài bão nhưng lại bị chuyện áo cơm ghì sát đất. Trong sáng tác của Nam Cao, các truyện ngắn: “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Dì Hảo”, “Một đám cưới”, “Đời thừa”, “Lang Rận”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”, “Một bữa no”, “Tư cách mõ”, “Giăng sáng”...và tiểu thuyết “Sống mòn” là những tác phẩm xuất sắc, trong đó, truyện ngắn “Chí Phèo” xứng đáng là một kiệt tác đem lại vinh quang cho nền truyện ngắn Việt Nam.
4. Trào lưu văn học hiện sinh
Về cơ sở triết học
Trào lưu văn học hiện sinh có sơ sở trực tiếp từ triết học hiện sinh. Triết học hiện sinh xuất hiện lần đầu tiên ở Đức vào cuối những năm 20 -30 của thế kỉ XX với các đại diện tiêu biểu như: M. Heidegger, Jaspers; sau đó được J.P.Sartre, A. Camus, Marcel...đưa vào Pháp. Kế thừa tri thức của nhiều hệ tư tưởng, triết học hiện sinh ra đời như một kết quả tất yếu sau các cuộc chiến tranh đẫm máu, hướng mọi suy tư, mọi câu hỏi về thân phận con người. Triết học hiện sinh chủ nghĩa đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến văn học và các ngành nghệ thuật khác. Nó đã đi vào đời sống văn học một cách tự nhiên nhất có thể. Con đường đi vào văn học của triết học hiện sinh có thể coi là con đường trực tiếp mà các triết thuyết khác hầu như không có được. Cũng từ đó xuất hiện một trào lưu hiện sinh ở châu Âu.
Về phong trào sáng tác, đội ngũ nhà văn và số lượng tác phẩm
Trào lưu văn học hiện sinh xuất hiện trước tiên ở Pháp vào những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ II với các đại diện là những nhà văn đồng thời là những triết gia hiện sinh: G. Marcel, J.P.Sartre với một số tác phẩm truyện và kịch như: “Những bàn tay bẩn”, “Bức tường”, “Ruồi”, “Kín cửa”...trong đó tiêu biểu nhất là tiểu thuyết “Buồn nôn”, A. Camus với các tác phẩm như: “Người xa lạ”, “Huyền thoại Xiziphơ”, “Dịch hạch”, “Vây hãm”, “Những bậc chính nhân”...; và tiếp đó, nhanh chóng lan rộng sang một số nước khác trên thế giới. Bên cạnh văn học Pháp là văn học Tây Ban Nha (M.de.Unamuno), văn học Anh (Iris Murdoch, W.Golding), văn học Tây Đức (H.E.Nossaeck, A.Doeblin) và nhiều nền văn học khác nữa.
Thuyết hiện sinh đã du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng khá sâu sắc đến lý luận và sáng tác văn học Việt Nam từ cuối những năm 50 của thế kỉ trước. Trên thực tế, trào lưu hiện sinh chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến nước ta với tư cách là một lý thuyết để người ta nghiên cứu, quảng bá và đọc sách dịch về văn học hiện sinh (của Albert. Camus...) là chủ yếu, chứ chưa hướng nhiều tới sáng tác văn học thực thụ theo khuynh hướng hiện sinh. Do vậy mà câu hỏi ai là tác giả tiêu biểu của văn học hiện sinh Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Ngoài Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài là hai nhà văn có dấu ấn hiện sinh trong tác phẩm, các tác giả khác hầu như không có. Văn học hiện sinh lại đứt quãng và đến khoảng những năm 80 của thế kỉ XX mới xuất hiện trở lại nước ta, do những thay đổi về xã hội và nhận thức của con người trước cuộc đời, thời đại mà nhiều vấn đề được đặt ra.
5. Một số trào lưu văn học khác
Bên cạnh các trào lưu văn học kể trên, thế kỉ XX còn có sự xuất hiện của rất nhiều những trào lưu văn học khác: trào lưu đa đa, trào lưu siêu thực, trào lưu đường viền...mỗi trào lưu văn học lại đóng góp thêm một mảng màu mới, làm phong phú hơn bức tranh văn học thế giới.
Trào lưu đa đa xuất hiện ở Âu châu vào khoảng những năm 30 của thế kỉ XX. Các tác giả của trào lưu này hoàn toàn phủ nhận quá khứ, ngờ vực khả năng truyền thông của ngôn ngữ, khinh bỉ những giá trị thẩm mĩ và chống lại mọi trật tự có sẵn của văn hóa, xã hội. Với những tư tưởng mĩ học và những thủ pháp nghệ thuật táo bạo, trào lưu đa đa đã để lại dấu ấn rõ rệt, lâu dài trong lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới.
Trào lưu văn học siêu thực có tiền thân từ trào lưu đa đa. Mặc dù chỉ tồn tại cực thịnh trong thời gian hơn 20 năm giữa hai cuộc đại chiến thế giới nhưng trào lưu siêu thực đã làm biến đổi văn học nghệ thuật rất nhiều. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi ở khắp nơi đã tích cực thực hành trào lưu siêu thực trong sáng tác. Có thể kể tới tên tuổi của một số tác giả như: F.G.Looc – ca ( Tây Ban Nha), A.Nin, H.Mi-lơ (Mĩ), H.S.Day-vit, D.Tho-mat (Anh), P. Ê-luy-a, L.A-ra-gong (Pháp)...
III. KẾT LUẬN

Qua sự phân tích trên ta thấy, cùng với những biến đổi về đời sống kinh tế, xã hội; sự phát triển của các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, đặc biệt là sự phát triển của mĩ học và triết học đã dẫn tới sự ra đời của nhiều trào lưu văn học. Có thể nói, cuối thế XIX, đầu thế kỉ XX là “thời kì bùng nổ” của các trào lưu. Mặc dù vẫn còn tồn tại những hạn chế nhưng mỗi trào lưu văn học với những nguyên tắc khai thác đời sống khác nhau đã góp thêm những tiếng nói mới cho nền văn học thế giới: trào lưu văn học cổ điển mang đến cho nhân gian những mẫu con người lí tưởng, trào lưu lãng mạn chắp cánh cho cái tôi cá nhân bùng lên mạnh mẽ, trào lưu hiện thực lại giúp con người thấy được những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời để từ đó có những phương thuốc chữa trị phù hợp....Mỗi trào lưu đều ghi dấu ấn của riêng mình trong nền văn học thế giới, ở trào lưu nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Chính những con người này, những tác phẩm này đã làm cho bức tranh văn học của nhân loại chưa bao giờ lại nhiều màu sắc tươi sáng đến vậy.

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn về bài viết chi tiết! Mình xin phép tham khảo nội dung cho website của mình ở https://kang.io.vn nhé!

    Trả lờiXóa